21/12/2024 11:48 PM
Tổng quan > Quá trình phát triển
Làm thế nào để Quỹ bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả?
22/11/2012
Với sự quyết tâm, kiên trì thực hiện những nội dung nêu trên có sự vận dụng linh hoạt phù hợp thực tiễn, thì Quỹ mới thể hiện được tính hiệu quả trong vai trò là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu tác động vào hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh

Xuất phát những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường mà Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã nêu như: Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước; Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn... từ đó, Quỹ bảo vệ môi trường được thành lập ở trung ương cũng như các địa phương và được xem là tổ chức tài chính để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; trong đó có Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai.

Qua 08 năm hình thành và phát triển (2004 - 2011), được sự chỉ đạo của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị liên quan; Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai (Quỹ) đã đạt được kết quả nhất định như sau:

Trong tình hình suy thoái kinh tế vừa qua, việc Quỹ hỗ trợ các dự án vay vốn để đầu tư cho các hạng mục công trình bảo vệ môi trường (BVMT), cho hoạt động dịch vụ bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả:

- Về bảo vệ môi trường: tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT trong việc đầu tư các công trình BVMT để xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại); góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt.

- Về kinh tế - xã hội: tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giảm chi phí trong đầu tư hoạt động BVMT để tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, việc tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư để tham gia hoạt động xã hội hóa BVMT như thu gom vận chuyển rác tại các huyện, ngoài đảm bảo vệ sinh môi trường cũng đã tạo nguồn thu nhập cho chủ đầu tư và việc làm cho người lao động tại địa phương.

Hoạt động của Quỹ từng bước được cải tiến, thủ tục hồ sơ vay vốn được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân vay; tích cực tiếp cận với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu về hoạt hỗ trợ tài chính của Quỹ. Qua đó, số dự án được duyệt vay vốn hỗ trợ tăng; việc cấp vốn vay theo tiến độ triển khai dự án được đảm bảo.

Tuy hoạt động của Quỹ đạt được một số kết quả nhất định, nhưng so với mục tiêu hoạt động, chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là yêu cầu của Hội đồng Quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đối với sự phát triển của Quỹ thì vẫn còn một số hạn chế như: Công tác phát triển nguồn vốn tuy có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Phương thức tuyên truyền, quảng bá hoạt động của Quỹ chưa sâu rộng, phong phú và hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa mạnh nhằm phục vụ hữu hiệu cho cải cách hành chính, quản lý điều hành tiên tiến. Và những vấn đề khác liên quan để hoàn thiện dần mô hình hoạt động của Quỹ, tạo đà cho sự phát triển bền vững.

Như thế, vấn đề đặt ra là trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường mà Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã nêu; trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung của cả nước; từ thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,… Quỹ phải hoạt động như thế nào để thể hiện là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu tác động vào hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.

Suy ra, vấn đề trên cũng đồng nghĩa với việc làm thế nào để Quỹ Bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả ? Và để giải quyết vấn đề này, thì không thể không bàn về: mục tiêu, quan điểm hoạt động; tư duy thực tiễn và tầm nhìn cho sự phát triễn để ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Hội đồng Quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao. Vậy để hoạt động hiệu quả thì một số vấn đề cần được Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai xem xét, chú trọng như sau:

Một là, phải luôn xác định mục tiêu xuyên suốt của Quỹ là góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Bởi đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ chính bằng các kết quả thực hiện mục tiêu này. 

Hai là, tuy là một tổ chức tài chính nhưng hoạt động của Quỹ phải một quỹ công ích không vì mục đích lợi nhuận. Vì đây chính là sự khác biệt và cũng là tính ưu việt của tổ chức tài chính - quỹ bảo vệ môi trường so với các tổ chức tài chính, tín dụng khác.

Ba là, chú trọng việc nghiên cứu các Chương trình, Kế hoạch bảo vệ môi trường của Trung ương; chủ trương, chính sách của tỉnh về bảo vệ môi trường để có cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Quỹ mang tính thiết thực và có tính định hướng phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, phải luôn bám sát chỉ đạo của Hội đồng Quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn. Đơn cử trong giai đoạn (2011 - 2015), thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Quỹ cần phối hợp với:

Chi cục Bảo vệ môi trường để được hỗ trợ cung cấp danh sách, thông tin của: Các dự án ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện di dời; Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hỗ trợ để đầu tư công trình bảo vệ môi trường khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường để liên hệ hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn.  

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ cung cấp: Danh sách, thông tin của các cơ sở chăn nuôi thuộc Chương trình nông nghiệp - nông thôn - nông dân có nhu cầu vay vốn hỗ trợ để đầu tư công trình bảo vệ môi trường để liên hệ hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn; Danh sách, thông tin của các đơn vị xin tài trợ đầu tư xây dựng công trình hợp vệ sinh môi trường cấp tiểu học ở các xã khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để liên hệ hướng dẫn lập hồ sơ xin tài trợ. 

Sở Công thương để được hỗ trợ cung cấp danh sách, thông tin của các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư công trình bảo vệ môi trường thuộc Chương trình chuyển đổi ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh để liên hệ hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn.

UBDN các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để được hỗ trợ cung cấp danh sách, thông tin của các chủ dự án đầu tư: Xử lý chất thải, tái chế chất thải; các hoạt động dịch vụ môi trường phục vụ việc thu gom, vận chuyển chất rắn thải sinh hoạt có nhu cầu vay vốn hỗ trợ để liên hệ hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn. 

Bốn là, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc bổ sung phát triển nguồn vốn. Hiện nay, tổng nguồn vốn của Quỹ khoảng 52,8 tỷ đồng; trong khi đó nhu cầu vay vốn của các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh rất lớn và ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2015 khoảng 766 tỷ đồng. Vì vậy, Quỹ cần:

Rà soát các quy định pháp luật về bổ sung, phát triển và khai thác sử dụng nguồn vốn để tham mưu, đề xuất Hội đồng Quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Trước mắt, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính và sau khi UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, Quỹ cần tích cực liên hệ phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ từ: 80% nguồn thu phí nước thải nộp vào ngân sách địa phương hàng năm; ngân sách Nhà nước cấp bổ sung từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm; các khoản bồi thường thiệt hại về môi trường cho Nhà nước trên địa bàn tỉnh (nếu có).

Năm là, tích cực tuyên truyền, thực hiện phương thức tiếp cận, quảng bá hiệu quả đối với hoạt động của Quỹ; trong đó có:

Hợp đồng với Trung tâm Truyền thông và Tư vấn môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường để quảng bá hoạt động của Quỹ trên pano điện tử; hợp đồng với Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện trang web của Quỹ và hợp đồng với cơ quan phát thanh truyền hình của tỉnh để truyền thông cho cộng đồng biết về hoạt động của Quỹ.

Xúc tiến các hoạt động tiếp cận đối tượng vay vốn để hướng dẫn và đưa vào kế hoạch hỗ trợ vốn vay hàng năm.  

Sáu là, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý điều hành, kiểm soát hoạt động của Quỹ.

Như vậy, nếu với sự quyết tâm, kiên trì thực hiện những nội dung nêu trên có sự vận dụng linh hoạt phù hợp thực tiễn, thì Quỹ mới thể hiện được tính hiệu quả trong vai trò là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu tác động vào hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh./.


Tác giả: Phạm Ngọc Thiện



Các tin liên quan:

Thông tin mới:
Tổng truy cập: 908999
Đang truy cập: 15