19/03/2024 5:24 PM
Tin tức - Sự kiện > Thông tin chung
VỀ NGUỒN NĂM 2017 TẠI ĐỀN TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ BẾN DƯỢC - CỦ CHI CỦA CHI ĐOÀN 12 - QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
07/11/2017
VỀ NGUỒN NĂM 2017 TẠI ĐỀN TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ BẾN DƯỢC - CỦ CHI CỦA CHI ĐOÀN 12 - QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

      Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017), Được sự chấp thuận của Chi bộ 12, Chi đoàn 12 đã tổ chức cho toàn thể đoàn viên Chi đoàn 12, viên chức và người lao động trong Quỹ Bảo vệ môi trường  về thăm lại Củ Chi "Đất thép thành đồng" vào ngày 4/11/2017 Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công đoàn viên và đoàn viên thanh niên hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017). Tạo không khí đoàn kết, giao lưu, tạo điều kiện cho các Đảng viên, đoàn viên thanh niên có cơ hội tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta và tạo điều kiện để cán bộ công chức giao lưu học tập kinh nghiệm, đoàn kết, gắn bó với nhau nhằm tạo động lực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đơn vị .

      Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Địa đạo là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Biết vậy chúng ta mới thấy rằng sự bền bỉ, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của chiến sĩ ta. Đúng như câu nói “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đường hầm sâu dưới đất 3-8m, chiều cao chỉ đủ một người đi lom khom. Khi một lần chui vào địa đạo Củ Chi, ta sẽ cảm nhận rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, y chí bất khuất của “vùng đất thép” và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Hoa Kỳ. Ta sẽ hiểu vì sao Củ Chi mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 20 năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi.

     Đúng 07h00 , đoàn xe chở đoàn bắt đầu lăn bánh tiến về Địa đạo Củ Chi. Đoàn đã đến thắp hương tưởng niệm và tri ân 44.520 anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược. Nơi những người con ưu tú của quê hương được khắc tên trong đền vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Đoàn đã dâng lên những bó hoa tươi thắm và thắp lên bia đá những nén hương để tưởng nhớ những người con của dân tộc đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng.

Đoàn làm lễ và tham quan Đền Bến Dược

     Sau khi làm lễ và tham quan Đền Bến Dược xong, đoàn tiếp tục chuyến tham quan của mình tới khu vực tái hiện Vùng giải phóng. Con đường nhỏ dẫn chúng tôi tới Phòng họp âm– một gian phòng đào chìm xuống lòng đất, sâu ngập đầu– nơi mà bốn mươi mấy năm trước, những chiến sĩ đã từng ngồi họp, bàn phương án đánh giặc. Sơ đồ nổi trong phòng giới thiệu cho du khách thấy địa đạo được đào sâu 4 tầng dưới lòng đất, thông với nhau theo muôn vàn ngách nhỏ, với tổng cộng chiều dài tới 250 km. Tầng trên cùng thường là những phòng rộng dùng làm phòng họp, trụ sở, bếp ăn, khu điều trị của thương binh… những tầng dưới chỉ là những đường ngầm nhỏ và hẹp, thông với nhau nhằng nhịt như mạng nhện, toả nhánh khắp nơi. “Cầu thang”, nối các tầng với nhau là những đoạn dốc trượt xuống. Cuối mỗi đoạn “cầu thang” đó thường có một hầm chông nắp gỗ đợi sẵn, phòng khi giặc liều mạng bò xuống thì ta rút nắp cho chúng trượt xuống đó nếm món chông sắt nhọn hoắt có ngạnh như lưỡi câu.

 

     Rời phòng họp âm, chúng tôi được dẫn tới một đoạn địa đạo “mẫu”, mà theo lời giới thiệu thì đã được khoét rộng hơn “nguyên bản” để du khách có thể chui qua chứ không phải bò như những du kích dũng cảm năm nào. Dẫu địa đạo đã được khoét rộng hơn, nhưng để có thể dịch chuyển trong đó, ai nấy đều phải lom khom, không được cao hơn mặt đất quá 80– 90cm. Muốn vậy phải cúi gập lưng, khuỵu thấp hai chân xuống mà lò dò từng bước một cách khó khăn. Cả đoạn địa đạo này chỉ vẻn vẹn có 30m, vậy mà mới được chừng mươi bước đã nghe tiếng kêu : “Mỏi quá, quay lại thôi!” Nhưng đã quá muộn! Một khi con trăn đã chui đầu vào ống nứa thì chỉ có một cách duy nhất thoát thân là cố mà luồn hết tấm thân dài ngoẵng qua ống đó mà thôi. Đoàn chúng tôi cũng vậy, không có sự lựa chọn nào khác. Thế là, mọi người vừa dò dẫm trong đường ngầm tối mờ, ẩm thấp, vừa kêu la oai oái. Cái tư thế đứng không ra đứng quỳ không ra quỳ siết chặt vào hai ống chân khiến mọi người kêu trời. Lên được mặt đất, mọi người ướt đầm đìa như vừa ra khỏi nhà tắm hơi. Ai nấy đều trợn mắt bảo nhau: “Có cho kẹo bọn giặc cũng đố có dám xuống”. 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA CHUYẾN ĐI

     Đoàn viên thanh niên đã có dịp ôn lại những chiến tích vẻ vang, cảm nhận quá khứ chiến tranh vừa đau thương vừa hào hùng, cảm thấy như trở về chiến trường xưa khi tới thăm Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi. Với tầm vóc chiến tranh, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20.

     Qua chuyến đi đã góp phần khơi lại, hun đúc lòng yêu nước trong mỗi đoàn viên thanh niên, ý thức tinh thần dân tộc sâu sắc. Khâm phục những khó khăn, gian lao, vất vả và sự hy sinh cống hiến của những vị anh hùng đất thép.


Tác giả: Xuân Việt



Các tin liên quan:

Thông tin mới:
Tổng truy cập: 838802
Đang truy cập: 3