28/03/2024 7:21 PM
Tổng quan > Quá trình phát triển
Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai - Triển vọng và thách thức cho phát triển hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai
21/11/2013
Công nghiệp môi trường (Environmental Industries) là một thực thể kinh tế có từ rất sớm tại nhiều nước. Đây là ngành công nghiệp tạo ra các giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, đã và đang có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển theo hướng bền vững, chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu công nghiệp.

I. Tổng quan về công nghiệp môi trường

Công nghiệp môi trường (Environmental Industries) là một thực thể kinh tế có từ rất sớm tại nhiều nước. Đây là ngành công nghiệp tạo ra các giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, đã và đang có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển theo hướng bền vững, chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu công nghiệp. Một số tổ chức và các nước trên thế giới đã đưa ra khái niệm về công nghiệp môi trường (CNMT) như sau:

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD: CNMT bao gồm các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhằm đo lường, ngăn chặn, hạn chế tối thiểu hóa hay hiệu chỉnh tác hại môi trường tới nước; không khí và đất cũng như các vấn đề liên quan đến chất thải và hệ sinh thái.

Văn phòng thống kê Cộng đồng Châu Âu cho rằng: CNMT bao gồm các dịch vụ sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà chúng có khả năng đo lường, ngăn chặn, hạn chế hay hiệu chỉnh các tác hại môi trường như ô nhiễm nước, không khí, đất cũng như chất thải và các vấn đề liên quan đến tiếng ồn. Chúng cũng bao gồm công nghệ sạch nhằm hạn chế ô nhiễm và sử dụng nguyên liệu thô.

Mạng lưới thông tin và quan sát Châu Âu: CNMT bao gồm các hoạt động thúc đẩy công nghệ sạch hơn, xử lý nước và xử lý nước thải; quá trình tái chế; quá trình công nghệ sinh học, chất xúc tác, màn ngăn; giảm tiếng ồn và các hoạt động sản xuất các sản phẩm khác nhằm mục đích bảo vệ môi trường.

Ở Hoa Kỳ: CNMT bao gồm toàn bộ các hoạt động tạo ra giá trị liên quan tới thực hiện các quy định môi trường; đánh giá phân tích và bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, làm giảm ô nhiễm; cung cấp và phân phối tài nguyên môi trường: nước, nguyên liệu tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ và các hoạt động góp vào việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên liệu, sản phẩm chất lượng cao và phân phối tài nguyên  môi trường: nước, nguyên liệu tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ và các hoạt động đóng góp vào việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên liệu, sản phẩm chất lượng cao và phát triển kinh tế bền vững.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đặt ra những yêu cầu về môi trường ngày càng lớn, liên tục và không ngừng tạo ra các nhu cầu mới kích thích phát triển. CNMT thế giới chính vì thế những năm gần đây phát triển bùng nổ với nhiều năng lực và sản phẩm mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại của mỗi quốc gia mà còn tạo đóng góp tăng trưởng trao đổi xuất nhập khẩu toàn cầu. Thị trường ngành CNMT thế giới ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Năm 1992, thị trường ngành CNMT ước khoảng 300 tỷ USD, năm 1996 đạt 453 tỷ USD, năm 2004 tăng lên 628,5 tỷ USD và dự báo đến năm 2010 quy mô thị  trường ngành CNMT thế giới đạt khoảng 688 tỷ USD. Các nước công nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu chiếm hầu hết thị phần ngành CNMT thế giới (chiếm tới 85%), trong đó Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới, chiếm 38% thị phần của toàn thế giới.

Ở Việt Nam, khái niệm ngành CNMT vẫn còn rất mới, doanh nghiệp môi trường được biết đến chỉ với ý nghĩa đơn giản là các công ty môi trường đô thị, một số doanh nghiệp tư vấn, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường quy mô nhỏ. Hội nghị Môi trường toàn quốc ngày 22/4/2005, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chỉ đạo "nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp môi trường phù hợp với điều kiện của một nước đang phát triển và có nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính như nước ta".

Luật Bảo vệ môi trường, được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, cũng đã thể chế hóa chủ trương nói trên, giao "Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường".

Những năm gần đây, bức tranh về doanh nghiệp môi trường cũng có những thay đổi quan trọng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần, trong nước, ngoài nước, tư nhân và nhiều hình thức liên kết với quy mô ngày càng lớn. CNMT ngày nay không mang tính công ích thuần túy mà ngày càng thể hiện rõ tính kinh tế trong các hoạt động của nó, đặc biệt khi chuyển từ cách tiếp cận "xử lý cuối đường ống", xử lý chất thải sang cách tiếp cận ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, đồng thời coi chất thải như tài nguyên để tái sử dụng tạo ra các giá trị mới.

Công nghiệp môi trường của Việt Nam bao hàm các hoạt động và doanh nghiệp đặc thù, chuyên sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phòng ngừa các tác động xấu tới môi trường. Điều này đang tạo động lực để phát triển và mở rộng các lĩnh vực mới và gia tăng số lượng các doanh nghiệp môi trường. Kinh doanh môi trường ngày càng được xem là ngành "siêu lợi nhuận" vì những lợi ích kép mà nó mang lại.

Tham khảo quốc tế, gắn liền với điều kiện Việt Nam, ngành CNMT được hiểu như sau: "Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường đáp ứng nhu cầu phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường của nền kinh tế".

Tại một số nước, hoạt động của ngành CNMT được chia ra các phân ngành "Dịch vụ môi trường", "Thiết bị môi trường" và "Tài nguyên môi trường". Mỗi phân ngành có lĩnh vực hoạt động khác nhau:

(1) Dịch vụ môi trường bao gồm các hoạt động có doanh thu từ việc thu phí các dịch vụ môi trường như: phân tích và thử nghiệm môi trường, quản lý và xử lý chất thải, chất thải nguy hại, phục hồi môi trường, tư vấn và dịch vụ kỹ thuật môi trường.

(2) Thiết bị môi trường bao gồm các hoạt động có doanh thu từ việc bán hoặc cho thuê thiết bị môi trường như: Thiết bị xử lý chất thải, thiết bị đo và hệ thống thông tin, thiết bị kiểm soát ô nhiễm, thiết bị quản lý chất thải, công nghệ xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm.

(3) Tài nguyên môi trường bao gồm các hoạt động có doanh thu từ việc bán tài nguyên (ví dụ nước hoặc năng lượng) hoặc tái chế chất thải (ví dụ thép hoặc giấy).

Nhìn chung, để phát triển ngành CNMT, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp:

(1) Xây dựng và cưỡng chế thực thi các đạo luật về bảo vệ môi trường: xây dựng các đạo luật về bảo vệ môi trường và cưỡng chế thực thi mạnh mẽ các đạo luật đó là chính sách phổ biến nhất thúc đẩy sự phát triển của ngành CNMT. Khi các quy định trở nên ngặt nghèo hơn, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các giải pháp công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, ngành CNMT bắt đầu phát triển từ khi Đạo luật về không khí sạch ban hành năm 1963 với nội dung hạn chế phát thải đối với các hoạt động liên quan đến quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Tương tự như vậy, Nhật Bản ban hành Luật Cơ bản về kiểm soát ô nhiễm năm 1967 về giảm phát thải là cơ sở cho việc phát triển ngành CNMT ở nước này.

(2) Xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ ngành CNMT: Ngoài các văn bản luật và vấn đề cưỡng chế, nhằm tạo thị trường cho ngành CNMT, Chính phủ các nước cũng khuyến khích doanh  nghiệp  xây dựng lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm thông qua ban hành hàng loạt các biện pháp giảm thuế, khấu hao ưu đãi và hệ thống giải thưởng đối với các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngành.

(4) Tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNMT: Các nước tiên tiến thường tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm về các công nghệ, sản phẩm, tư vấn môi trường. Điển hình là Hoa Kỳ, hàng năm có hàng chục hội thảo quốc tế, hội  chợ,  triển  lãm  khác  nhau  liên  quan  đến  ngành  này  được  tổ  chức  bởi  các  hiệp  hội chuyên ngành như Hiệp hội xử lý nước thải, Hiệp hội đánh giá tác động môi trường v.v…

Các hoạt động này không chỉ giúp quảng bá đối với các nước khác thông qua việc tạo điều kiện/tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tham dự các triển lãm trong nước, cũng như giúp tổ chức các triển lãm ở nước ngoài.

(5) Hỗ trợ ngành CNMT mở rộng thị trường thông qua chính sách ODA: Thông qua các hỗ trợ về ODA đối với các nước đang phát triển, các nước phát triển cũng có chính sách hỗ trợ đối với ngành CNMT trong nước bằng cách có chính sách ưu tiên đối với việc các dự án ODA sử dụng công nghệ, sản phẩm và tư vấn từ nước tài trợ. Ví dụ điển hình của biện pháp này là Nhật Bản. Nước này đã sử dụng hệ thống hỗ trợ ODA của mình ở các nước đang phát triển để tăng thị phần ngành CNMT của mình tại đây.

(6) Hỗ trợ các dự án nghiên cứu về CNMT từ ngân sách quốc gia: Các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các khu vực khác cũng có các hoạt động thúc đẩy ngành CNMT bằng cách xây dựng các dự án nghiên cứu sử dụng kinh phí hỗ trợ của nhà nước.

(7) Hỗ trợ phát triển CNMT thông qua chính sách chuyển giao công nghệ: hầu hết các nước đang phát triển không tự xây dựng công nghệ, sản phẩm mới mà thường tập trung vào hoạt động tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Điều này cũng giúp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường cho ngành CNMT.

Từ những kinh nghiệm phát triển ngành CNMT của các nước đi trước và điều kiện cụ thể của nước ta, có thể rút ra một số bài học cho sự phát triển của ngành CNMT của Việt Nam như sau:

(1) Cần xây dựng một cách có hệ thống và đồng bộ các đạo luật về bảo vệ môi trường, đi đôi với việc nâng cao năng lực thực thi, cưỡng chế, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Khi các quy định trở nên ngặt nghèo hơn, công tác kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi được thực hiện nghiêm túc thì các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các giải pháp công nghệ, sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng, làm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNMT.

(2) Cần đặc biệt coi trọng và thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhận thức về sự tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường cho mọi đối  tượng  người  dân  trong  xã  hội,  từ  những  người  có  học thức cao, người quản lý, chủ doanh nghiệp đến những người lao động, học sinh, sinh viên… Ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao sẽ tạo ra các luồng dư luận và sức ép của cộng đồng trong xã hội đòi hỏi các tổ chức, các nhân gây ô nhiễm phải đầu tư xử lý môi trường.

(3) Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và quan tâm đúng mức tới việc thúc đẩy phát triển thị trường về tư vấn, dịch vụ, công nghệ, thiết bị… cho ngành CNMT.

(4) Ngoài việc tự đầu tư của các doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu phát triển, nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho việc xây dựng và triển khai các chương trình ưu tiên của Chính phủ về nghiên cứu triển khai, nâng cao năng lực quản lý môi trường, đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ cho ngành CNMT phát triển.

(5) Nhà nước có sự hỗ trợ thích đáng đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai liên quan đến ngành CNMT thông qua các cơ chế hỗ trợ tài chính, tổ chức các hội chợ triển lãm liên quan đến ngành.

(6) Cần tận dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ ODA để chuyển giao công nghệ cho ngành CNMT trong nước.

(Còn tiếp)


Tác giả: Phạm Ngọc Thiện



Các tin liên quan:

Thông tin mới:
Tổng truy cập: 840652
Đang truy cập: 11