19/04/2024 4:08 PM
Tổng quan > Quá trình phát triển
Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai - Triển vọng và thách thức cho phát triển hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai (tiếp theo)
22/11/2013
Ngành CNMT Việt Nam mặc dù chưa chính thức hình thành và vẫn còn nhỏ bé nhưng đã xuất hiện trên các trang thông tin và thống kê quốc tế với xuất phát điểm là các công ty vệ sinh (nay là công ty môi trường đô thị - URENCO). Đây là hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước, có từ rất sớm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công chuyên thu gom, vận chuyển xử lý chất thải và vệ sinh đô thị...

II. Thực trạng ngành CNMT ở Việt Nam

Ngành CNMT Việt Nam mặc dù chưa chính thức hình thành và vẫn còn nhỏ bé nhưng đã xuất hiện trên các trang thông tin và thống kê quốc tế với xuất phát điểm là các công ty vệ sinh (nay là công ty môi trường đô thị - URENCO). Đây là hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước, có từ rất sớm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công chuyên thu gom, vận chuyển xử lý chất thải và vệ sinh đô thị. Đến nay hệ thống các công ty môi trường đô thị đã phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành với doanh thu hàng năm lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra của Dự án "Điều tra hiện trạng ngành CNMT, đề  xuất giải pháp nhằm phát triển ngành CNMT Việt Nam" đã tiến hành trong các năm 2006 - 2007 trên phạm vi 20 tỉnh, đã thống kê được khoảng trên 2000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi  trường. Trong đó, ngoài các công ty URENCO của các tỉnh/thành phố còn có các doanh nghiệp tư nhân cả trong nước và nước ngoài, các hình thức liên doanh, liên kết. Quy mô của các công ty có doanh số lên đến 1.000 tỷ VNĐ/năm. Các lĩnh vực hoạt động cũng không ngừng được mở rộng không chỉ môi trường đô thị, mà còn phát triển rất nhanh sang khu vực doanh nghiệp, khu công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, tái chế và quản lý tài nguyên, sản xuất thiết bị, công nghệ. Hoạt động môi trường của Việt Nam đang dần trở nên chuyên môn hóa sâu, mang tính công nghiệp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ trên tất cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất thiết bị công nghệ và quản lý tài nguyên.

Thực tế ngành CNMT ở Việt Nam đang có những đóng góp ban đầu không chỉ cho bảo vệ môi trường mà còn như một ngành kinh tế với các doanh nghiệp và sản phẩm đặc thù. Đây cũng là ngành có rất nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh đất nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, ngành Công nghiệp môi trường của Việt Nam có thể được chia thành 3 lĩnh vực hoạt động chính:

- Dịch vụ môi trường;

- Phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị;

- Phát triển và phục hồi tài nguyên thiên nhiên.

1. Dịch vụ môi trường

a) Phân tích và quan trắc môi trường hiện nay ở Việt Nam chủ yếu do các đơn vị công lập (trung tâm quan trắc và phòng thí nghiệm) thực hiện, theo đơn giá Nhà nước quy định. Sản phẩm chủ yếu là dịch vụ quan trắc, lấy mẫu, phân tích, các cơ sở dữ liệu thông tin liên quan. Tuy nhiên, lĩnh vực này ngày càng được xã hội hóa, cho phép nhiều thành phần tham gia.

b) Quản lý, kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các hoạt động dịch vụ:

- Quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải.

- Quản lý ô nhiễm khác bao gồm ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt, phóng xạ và sự cố môi trường (tràn dầu, hóa chất…). Trong lĩnh vực quản lý này có các sản phẩm dịch vụ, cung cấp/chế tạo thiết bị và xây lắp công trình. Trên thực tế, còn có rất nhiều dịch vụ mang tính chuyên ngành khác.

+  Quản lý chất thải nguy hại có các hoạt động như kiểm soát, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong xử lý có cả thiết bị và xây lắp công trình. Hệ thống phân loại các chất thải nguy hại hiện nay rất phức tạp, liên quan đến POPs (Persistent organic pollutants - là các chất hữu cơ khó phân hủy) có 12 nhóm hóa chất bị cấm; những hoá chất thuộc các điều ước quốc tế mà Việt Nam làm nước thành viên…

c) Dịch vụ tư vấn quản lý môi trường có hoạt động rất đa dạng. Lĩnh vực tư vấn phổ biến hiện nay bao gồm:

- Đánh giá tác động môi trường;

- Phân tích thí nghiệm;

- Đào tạo nguồn nhân lực;

- Công nhận chứng nhận (ISO 14000, EMS,…);

- Thiết kế môi trường;

2. Phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị

Gồm có các hoạt động/phân ngành sau:

a) Nghiên cứu R&D và chuyển giao công nghệ;

b) Sản xuất thiết bị và vật liệu xử lý môi trường; trong đó:

Công nghệ, thiết bị và vật liệu xử lý môi trường rất đa dạng. Sản phẩm là các công nghệ, thiết bị và vật liệu, hóa chất và chủng vi sinh sử dụng trong công nghệ xử lý chất thải, làm sạch môi trường.

c) Phát triển công nghệ thông tin chuyên ngành môi trường; trong đó:

Công nghệ thông tin chuyên ngành gồm các phần mềm dự báo phân tích đánh giá môi trường, các phần mềm tự động hóa trong công nghệ quan trắc, cập nhật thông tin tự động cơ sở dữ liệu, bản đồ số hoá…

d) Sản xuất thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; trong đó:

Thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm gồm các thiết bị đo, kít thử nhanh dùng phát hiện các chất nguy hại có trong môi trường, thiết bị tự động đo và quan trắc các chỉ số môi trường…

e) Công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm; trong đó:

Công nghệ hạn chế ô nhiễm, gồm các sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu và công nghệ sử dụng nguyên liệu mới không có chất thải. Đó là sản phẩm công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường (không tạo ra chất thải hoặc ít chất thải).

3. Phát triển và khôi phục tài nguyên

a) Cung cấp nước sạch, theo các phân loại quốc tế thuộc hoạt động của ngành CNMT.

b) Phục hồi tài nguyên, bao gồm các hoạt động khôi phục các vùng đất, vùng nước bị ô nhiễm, các mỏ khoáng sản sau khai thác, các thảm thực vật, phát triển các vùng sinh thái, đa dạng sinh học (khu sinh thái, du lịch sinh thái, đô thị sinh thái…).

c) Phát triển các dạng năng lượng mới, như năng lượng gió, mặt trời địa nhiệt, hydro, các dạng năng lượng thay thế ít chất thải (ethanol, Bio-diesel).

d) Tái chế chất thải, như tái chế giấy, thu hồi kim loại nặng, điện tử…

(Còn tiếp)


Tác giả: Phạm Ngọc Thiện



Các tin liên quan:

Thông tin mới:
Tổng truy cập: 845576
Đang truy cập: 2