26/04/2024 6:22 AM
Tổng quan > Quá trình phát triển
Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai - Triển vọng và thách thức cho phát triển hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai (tiiếp theo)
25/11/2013
Trong điều kiện của phát triển kinh tế địa phương gắn kết với thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ đặt ra cho Quỹ Bảo vệ môi trường là phải hoạch định một kế hoạch cho trước mắt cũng như lâu dài để tham gia "Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025"; trong đó để xây dựng kế hoạch cần phải chú trọng làm rõ các vấn đề...

III. Định hướng phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam

Thực tế đã chỉ ra một số trở ngại chính đối với sự phát triển CNMT ở Việt Nam:

Một là: Nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, do đó chưa tạo thành động lực quan trọng để công nghiệp, dịch vụ môi trường được phát triển. Hệ quả là, chưa có nhiều nhà đầu tư sản xuất thiết bị, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Hai là: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về bảo vệ môi trường (BVMT) chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh mẽ bắt buộc mọi người dân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, làm cho thị trường về dịch vụ môi trường chưa phát triển tương xứng với yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường và phát triển ngành CNMT.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích chưa rõ ràng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào phát triển CNMT. Nhà nước chưa có định hướng cụ thể để phát triển lĩnh vực công nghiệp này.

Ba là: Uy tín của các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ trong nước chưa đủ thuyết phục. Đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm.

Dựa trên quan điểm: "Phát triển ngành CNMT Việt Nam phải phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế đặt ra từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước", nhằm đạt được mục tiêu phát triển ngành CNMT thành một ngành kinh tế quan trọng, có khả năng cung cấp các dịch vụ, công nghệ, thiết bị môi trường, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước; tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường để chủ động hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường; giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường cưỡng chế tuân thủ quy định BVMT:

a) Hoàn thiện tổ chức các cơ quan đầu mối quản lý môi trường từ Trung  ương đến địa phương và doanh nghiệp, bao gồm các nội dung: rà soát, đánh giá và hoàn thiện mạng lưới tổ chức và chức năng nhiệm vụ; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ quản lý;

b) Rà soát, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành CNMT, theo hướng:

- Khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu KHCN, chuyển giao công nghệ BVMT, chế tạo thiết bị môi trường, phát triển thị trường và dịch vụ BVMT, quản lý và sử dụng tài nguyên.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, bao gồm từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chế tạo thiết bị đến cung cấp các dịch vụ BVMT, quản lý và sử dụng tài nguyên.

- Triển  khai các chương  trình, đề tài và dự án KHCN trọng điểm phục  vụ bảo vệ môi trường, bao gồm: công nghệ xử lý nước thải (nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước thải các bãi chôn lấp…); công nghệ xử lý khí thải, đặc biệt là khí thải chứa NOx, SOx, CO, H2S, HF, dung môi hữu cơ, dioxin, furan,…; công nghệ xử lý chất thải rắn (chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại); công nghệ chế tạo các thiết bị xử lý môi trường và các dụng cụ phục vụ lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, phân tích môi trường; quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, phân tích môi trường.

- Tăng cường năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị môi trường: đầu tư các phần mềm thiết kế chuyên dụng, đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác thiết kế, chế tạo thiết bị, đầu tư cơ sở nhà xưởng, thiết bị phục vụ chế tạo.

- Tăng cường hoạt động nhập khẩu, làm chủ và nhân rộng các loại thiết bị bảo vệ môi trường, đặc biệt là các thiết bị có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị DeSOx, DeNOx, thiết bị xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp nguy hại v.v…

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường.

- Hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức tư vấn, dịch vụ, chuyển giao công nghệ môi trường, bao gồm: dịch vụ phân tích, thử nghiệm về môi trường; dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định, quản lý dự án; dịch vụ quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, kiểm toán môi trường, tư vấn áp dụng sản xuất sạch hơn, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý môi trường; dịch vụ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, môi trường, vận hành thiết bị, áp dụng SXSH…

2. Đẩy mạnh hoạt động quản lý và sử dụng tiết kiệm năng lượng;

Nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tài nguyên, bao gồm: xử lý và cung cấp nước sạch, thu  gom,  tái  chế  các  sản  phẩm  phụ,  các  sản  phẩm  đã  qua  sử  dụng,  xử  lý,  phục  hồi  tài nguyên, các khu vực bị ô nhiễm, hoàn thổ phục vụ hồi môi trường các bãi thải…; cung cấp các loại dịch thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trạm điện/pin mặt trời, trạm điện sức gió, thủy điện nhỏ, địa nhiệt…; cung cấp các sản phẩm công nghệ và dịch vụ thân môi trường.

3. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường:

a) Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT và quản lý môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam,…

b) Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về môi trường cho cán bộ chuyên trách về môi trường ở cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

4. Thành lập Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên Hiệp hội trong việc xây dựng ngành CNMT Việt Nam phát triển, tham gia với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển, các chính sách phát triển, các tiêu chuẩn môi trường...

Như vậy, trong điều kiện của phát triển kinh tế địa phương gắn kết với thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ đặt ra cho Quỹ Bảo vệ môi trường là phải hoạch định một kế hoạch cho trước mắt cũng như lâu dài để tham gia "Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025"; trong đó để xây dựng kế hoạch cần phải chú trọng làm rõ các vấn đề như: (1) Phân tích tình hình: Những lợi thế có được của Quỹ Bảo vệ môi trường trong vai trò là công cụ kinh tế của Tỉnh, để trước mắt tham gia hỗ trợ tài chính đối với ngành công nghiệp môi trường và lâu dài tiến đến hợp tác đầu tư nhằm phát triển nguồn lực về tài chính. Những hạn chế trước mắt khi tham gia và khả năng khắc phục; (2) Lĩnh vực tham gia: Lĩnh vực nào tham gia xuyên suốt? lĩnh vực nào phân kỳ tham gia trong từng giai đoạn? Cụ thể tham gia việc gì? (3) Nguồn lực để tham gia: Về tài chính từ nguồn nào? ước khoảng bao nhiêu cho từng giai đoạn? làm thế nào để có? Về nhân lực: tổ chức bộ máy; điều động, bổ nhiệm; tuyển dụng nhân sự ra sao để phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực có được trong từng giai đoạn; (4) Tổ chức thực hiện: Nhiệm vụ, công việc cụ thể nào có thể độc lập tổ chức thực hiện, lộ trình, phân công? Nhiệm vụ, công việc cụ thể nào phải phối hợp; với cơ quan, đơn vị nào; phương thức phối hợp ra sao trong từng giai đoạn và suốt quá trình?  


Tác giả: Phạm Ngọc Thiện



Các tin liên quan:

Thông tin mới:
Tổng truy cập: 847398
Đang truy cập: 3